Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thị xã
Ngày cập nhật 27/05/2019

Từ ngày 19/5/2019 đến ngày 22/5/2019 trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã xuất hiện 02 xã, phường có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là Thủy Thanh và Phú Bài, đã tiêu hủy 48 con lợn của 05 hộ nuôi.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi và công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, phòng, chống và tổ chức khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là công việc cấp bách và rất quan trọng hiện nay.

Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí Thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Để chủ động, kịp thời khống chế không để bệnh Dịch tả lợn Châu phi lây lan trên diện rộng, UBND thị xã yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng; Chủ tịch UBND các phường, xã; Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành liên quan phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội... tổ chức thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; quyết tâm khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian nhanh nhất để bảo đảm điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.

2. Lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã và đang xảy ra đối với các hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân. Động viên toàn Đảng, toàn dân, lực lượng vũ trang tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, thông tin kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.

3. Cùng với việc chỉ đạo các biện pháp để phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, cần chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thuỷ sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Vừa triển khai, vừa tổ chức rút kinh nghiệm để chủ động phát hiện sớm, thông tin kịp thời và có biện pháp sẵn sàng phòng, chống các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra đối với vật nuôi, cây trồng.

4. Ủy ban nhân dân các phường, xã:

4.1. Đối với các phường, xã đã xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu phi

- Tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình dịch tại các ổ dịch và khu vực lân cận. Nếu xảy ra lợn ốm, chết có triệu chứng nghi bị Dịch tả lợn Châu Phi thì tổ chức tiêu hủy ngay.

- Triển khai tiêu độc, khử trùng:

+ Tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp (phạm vi 3km xung quanh ổ dịch): 01 lần/ngày trong 7 ngày đầu tiên, 03 lần/ tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.

+ Tại vùng đệm (phạm vi 10 km xung quang ổ dịch): vệ sinh tiêu độc, khử trùng với tần suất 1 lần/ tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch.

- Lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tiêu độc, khử trùng các phương tiện đi vào vùng dịch, hạn chế người, phương tiện ra vào vùng dịch; giám sát chặt chẽ, nghiêm cấm các hành vi vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch; tăng cường giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn tại các hộ nuôi trong khu vực.

- Tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện tốt 5 không; khi có lợn ốm chết, báo cáo ngay cho chính quyền địa phương. Tuyệt đối không vứt xác bừa bãi ra ngoài môi trường, làm lây lan dịch bệnh.

- Thành lập các đội phun tiêu độc, khử trùng cấp xã, phường để thực hiện phun thuốc sát trùng tại các khu vực có nguy cơ cao như hộ chăn nuôi, chợ buôn bán động vật sống, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, các quán bán bún cháo có nuôi lợn.

- Lập kế hoạch hành động; dự trù kinh phí để bảo đảm đủ chi phí và các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các dịch bệnh động vật nói chung.

4.2. Đối với UBND các xã, phường chưa xảy ra dịch:

- Tiếp tục tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND thị xã. Huy động cả hệ thống chính trị và các nguồn lực để chủ động phòng dịch trên địa bàn.

- Chủ động phát hiện sớm, báo cáo dịch bệnh để triển khai kịp thời các biện pháp chống dịch khi có dấu hiệu dịch xảy ra.

- Xây dựng phương án xử lý tiêu hủy lợn ốm chết: địa điểm chôn, hủy; lực lượng xử lý; phương tiện vận chuyển; chốt chặn; hóa chất,...

- Tăng cường công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tiếp tục tổ chức tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi hàng ngày, rải vôi xung quanh chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

- Thống kê tổng đàn lợn, hộ nuôi lợn và tổ chức ký cam kết thực hiện 05 không đối với các hộ chăn nuôi (Không giấu dịch; Không mua bán vận chuyển lợn bệnh; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

- Thành lập các đội phun tiêu độc, khử trùng cấp xã, phường: Giao trách nhiệm cho các tổ trưởng, thôn trưởng, các thành viên liên quan phối hợp với lực lượng thú y viên để thực hiện phun thuốc sát trùng tại các khu vực có nguy cơ cao như hộ chăn nuôi, chợ buôn bán động vật sống, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, các quán bán bún cháo có nuôi lợn.

- Giao trách nhiệm tổ trưởng, thôn trưởng, các thành viên liên quan phối hợp với thú y viên giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

5. Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã:

- Tập trung, phân công cán bộ để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với UBND các phường, xã, các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả cao; hướng dẫn việc tiêu hủy lợn ốm, chết trong vùng dịch theo đúng quy trình và lập biên bản xử lý tiêu hủy theo đúng quy định.

- Hướng dẫn thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các khu vực có nguy cơ cao như: khu vực chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, các chợ, điểm tập kết lợn sống, đường làng, ngõ xóm, các quán bán bún, cháo có nuôi lợn.

- Phân công cán bộ tăng cường công tác giám sát ở cơ sở chăn nuôi, các điểm giết mổ trên địa bàn. Thực hiện lấy mẫu khi có dấu hiệu lợn ốm và chết để gửi đi xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu phi.

- Phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã thông tin tuyên truyền mức độ nguy hiểm của bệnh, các triệu chứng bệnh tích của bệnh Dịch tả lợn Châu phi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người chăn nuôi lợn để báo cho cơ quan chuyên môn khi phát hiện có dấu hiệu của dịch bệnh.

6. Phòng Tài chính - Kế hoạch:

Bố trí kinh phí đảm bảo và kịp thời phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và đề xuất phương án kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi khi phải bắt buộc tiêu hủy.

7. Phòng Văn hóa, Trung tâm VH-TT và thể thao:

Phối hợp với các ban ngành liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, chú ý phổ biến các mô hình phường, xã, thôn, tổ, trại chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; chăn nuôi an toàn sinh học. Tuyên truyền bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người, sản phẩm thịt lợn từ lợn khỏe là sản phẩm an toàn đối với đời sống sinh hoạt của nhân dân.

8. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội: có trách nhiệm tham gia phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; động viên các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia tích cực vào công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức chỉ đạo phòng, chống, khống chế dịch ở từng cấp; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, phương tiện, vật chất kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại nặng nề trong đợt dịch bệnh này.

9. Các cơ quan, ban, ngành liên quan: theo chức năng nhiệm vụ đã được phân công chủ động phối hợp trong công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt là trong công tác kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn bị bệnh, lợn và sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

10. Nếu địa phương nào để xảy ra dịch tả lợn Châu Phi và để dịch lân lan rộng do lơ là, thiếu trách nhiệm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thị xã.

 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 372